Tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí đã và đang trở thành một trào lưu thịnh hành của những ai theo đuổi lối sống xanh, yêu thích bảo vệ môi trường. Có rất nhiều ý tưởng tái chế rác thải nhựa độc đáo mà có thể bạn vẫn chưa biết. Trong bài viết dưới đây, Nhựa Việt Tiến sẽ giới thiệu cho bạn những bí quyết tái chế sáng tạo để biến hóa những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi này trở nên có ích hơn.
1. Rác tái chế là gì?
Rác tái chế là những loại rác thải đã qua sử dụng nhưng vẫn còn khả năng tái chế để tạo thành các sản phẩm mới hữu ích cho cuộc sống của chúng ta. Rác thải loại này thường tồn tại ở thể rắn như giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại,…Cụ thể như:
- Sách, báo, tạp chí, thùng carton, bao bì giấy đựng thức ăn,…các loại giấy nói chung đều có thể tái chế được.
- Các loại chai nhựa đựng nước uống, chứa những dung dịch an toàn.
- Tất cả vật dụng thủy tinh từ trang trí cho đến các loại chai, lọ.
- Những đồ vật bằng sắt, nhôm, inox,… cũng được xếp vào nhóm rác tái chế.
2. Lợi ích khi tái chế rác thải nhựa
Môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng do lượng rác thải đổ ra môi trường ngày một nhiều. Nếu không có giải pháp cấp thiết, môi trường sống của chúng ta sẽ bị đe dọa bởi những rủi ro tiềm ẩn của rác thải. Chính vì vậy mà tái chế rác thải nhựa sẽ mang lại những lợi ích thiết thực như:
- Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và bảo vệ môi trường: Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Tái chế nhựa giúp giảm lượng rác thải nhựa đổ ra môi trường, từ đó giảm thiểu ô nhiễm.
- Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên: Tái chế nhựa giúp giảm nhu cầu khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo như dầu mỏ. Số liệu cho thấy nếu tái chế 1 tấn túi nilon thì chúng ta có thể tiết kiệm lượng dầu thô tương đương 16,3 thùng.
- Giảm tiêu thụ năng lượng: Sản xuất nhựa từ nguyên liệu tái chế tiêu tốn ít năng lượng hơn so với sản xuất từ nguyên liệu thô. Do vậy mà sử dụng nhựa tái chế đã hỗ trợ giảm bớt 18 triệu tấn khí CO₂ mỗi năm.
- Tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy kinh tế: Ngành công nghiệp tái chế đòi hỏi nhiều lao động nên sẽ tạo ra nhiều việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Xem thêm:
3. Cách tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí
Nên tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí gì có lẽ là câu hỏi được nhiều người thắc mắc nhất. Dưới đây là những gợi ý của Nhựa Việt Tiến về các vật dụng được tái chế từ nhựa mà bạn có thể tham khảo thực hiện:
3.1. Tái chế chai nhựa thành đồ trang trí
Chai nhựa sau khi sử dụng chúng ta có thể giữ lại để làm các vật trang trí dễ thương như thuyền buồm, ô tô đồ chơi hay tạo hình thành các con vật độc đáo. Các bước chế tạo cũng vô cùng đơn giản như sau:
Làm thuyền buồm bằng chai nhựa
- Chuẩn bị 1 chai nhựa rỗng (loại dẹt), 1 tấm xốp nhỏ, 1 que nhỏ (làm cột buồm), giấy màu, dây chun, kéo và keo dán.
- Cắt giấy màu thành hình tam giác để làm cánh buồm, sau đó dán lên que nhỏ để tạo thành cột buồm.
- Cắm cột buồm vào tấm xốp để tạo thành đế buồm.
- Đặt tấm xốp (đã gắn cột buồm) lên trên chai nhựa và cố định bằng dây chun.
Tái chế chai nhựa làm ô tô đồ chơi
- Bạn cần có 1 chai nhựa rỗng, 4 nắp chai (làm bánh xe), 2 que xiên, kéo, dao rọc giấy và keo dán
- Đục 4 lỗ nhỏ ở hai bên thân chai (2 lỗ trước, 2 lỗ sau) để lắp trục bánh xe.
- Luồn que xiên qua các lỗ này để tạo thành trục bánh xe trước và sau.
- Gắn nắp chai vào hai đầu của mỗi que xiên để làm bánh xe.
- Trang trí thêm cho ô tô bằng cách vẽ hoặc dán giấy màu theo ý thích.
3.2. Làm hộp bút bằng chai nhựa
Biến chai nhựa thành hộp đựng bút là một cách tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí đơn giản và hữu ích. Bạn cắt bỏ phần trên của chai nhựa và giữ lại phần đáy với chiều cao phù hợp để đựng bút. Sau đó, trang trí bên ngoài bằng sơn, giấy màu hoặc vải để tạo nên một hộp bút độc đáo và bắt mắt.
3.3. Tái chế chai nhựa làm ống heo
Nếu bạn muốn sáng tạo một sản phẩm tái chế từ chai nhựa vừa độc đáo vừa đáng yêu, hãy thử biến những chai nhựa bỏ đi thành một chú heo tiết kiệm ngộ nghĩnh.
Trước tiên, cắt chai nhựa thành hai phần. Ở phần đầu chai, cắt bớt một đoạn nhỏ khoảng một ngón tay để tạo hình cân đối. Sau đó dán phần đáy và phần đầu chai lại với nhau, rạch một khe nhỏ trên lưng để làm nơi nhét tiền.
Sử dụng sơn hoặc giấy màu để trang trí toàn bộ chai theo sở thích. Gắn thêm đôi mắt giả lên phần trước, cắt giấy màu tạo hình đôi tai và dán lên thân chai. Dùng nắp chai làm mũi và hoàn thiện chú heo tiết kiệm đáng yêu của bạn.
3.4. Biến rác thải nhựa thành chậu hoa
Tận dụng chai nhựa để làm chậu hoa là một ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường. Bạn chỉ cần cắt đôi chai nhựa và sử dụng phần đáy làm chậu. Đục vài lỗ nhỏ dưới đáy để thoát nước, sau đó cho đất và trồng cây mà bạn yêu thích vào.
3.5. Cách làm bảng chữ cái bằng nắp chai nhựa
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bảng chữ cái là 26 nắp chai nhựa (tương ứng với 26 chữ cái), bút lông hoặc sơn acrylic, bảng gỗ hoặc bìa cứng, cuối cùng là keo dán. Các bước cần làm như sau:
- Rửa sạch và lau khô các nắp chai nhựa.
- Dùng bút lông hoặc sơn acrylic để viết từng chữ cái lên mặt trên của mỗi nắp chai. Bạn có thể sử dụng màu sắc khác nhau để tạo sự thu hút cho các bé.
- Sắp xếp các nắp chai theo thứ tự bảng chữ cái trên bảng gỗ hoặc bìa cứng. Dùng keo dán cố định các nắp chai vào vị trí đã sắp xếp.
- Chúng ta có thể trang trí thêm hình ảnh, màu sắc xung quanh bảng để tăng độ bắt mắt và sự hứng thú cho trẻ.
3.6. Làm hoa giả bằng ống hút nhựa
Ống hút nhựa sử dụng xong có thể gom lại và biến tấu thành những bông hoa giả đẹp mắt. Sau khi chuẩn bị ống hút nhiều màu sắc, dây kẽm, kéo và băng keo, bạn chỉ cần thực hiện các thao tác sau:
- Tạo cánh hoa bằng cách ép phẳng ống hút và cắt thành các đoạn ngắn khoảng 4-5 cm. Dùng kéo vát một đầu ống hút thành hình nhọn để tạo hình cánh hoa.
- Xỏ dây kẽm qua đầu nhọn của mỗi cánh hoa vừa tạo. Xếp chồng các cánh hoa lại với nhau theo hình tròn, điều chỉnh sao cho chúng xòe đều như một bông hoa.
- Dùng một đoạn ống hút khác, cắt tua rua một đầu để tạo nhụy hoa. Sau đó gắn nhụy hoa vào giữa các cánh hoa bằng keo.
- Quấn phần dây kẽm còn lại bằng giấy màu xanh hoặc ống hút màu xanh để tạo thân hoa. Cắt thêm lá từ giấy màu xanh hoặc ống hút xanh và gắn vào thân hoa để hoàn thiện.
3.7. Tái chế chai nhựa thành bình tưới cây
Một trong những ý tưởng đơn giản khi tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí chính là bình tưới cây. Đây là một ứng dụng cực kỳ hữu ích cho những chuyến đi xa ngắn ngày. Chuẩn bị các vật dụng đơn giản như chai nhựa, đinh nhỏ hoặc kim loại nhọn, dụng cụ tạo lỗ để tiến hành làm bình tưới.
Rửa sạch và lau khô chai nhựa là bước đầu tiên cần làm. Dùng đinh nhỏ hoặc kim loại nhọn đun nóng để đục nhiều lỗ nhỏ trên nắp chai, số lượng lỗ và kích thước lỗ sẽ ảnh hưởng đến lượng nước chảy ra khi tưới. Đổ nước vào chai và vặn chặt nắp đã được đục lỗ. Lật ngược chai và chôn một phần vào đất gần gốc cây cần tưới, nước sẽ từ từ thấm ra ngoài qua các lỗ nhỏ, cung cấp độ ẩm cho cây trồng.
Xem thêm: Thùng rác nhựa chất lượng, giá cạnh tranh tại Nhựa Việt Tiến
3.8. Làm chỗ để sạc điện thoại bằng chai nhựa
Làm chỗ sạc điện thoại cực kỳ đơn giản khi bạn chỉ cần sử dụng chai nhựa có hình dáng dẹt như chai sữa tắm hoặc dầu gội đầu để áp sát vào tường. Xác định kích thước điện thoại để vẽ hình dạng giá đỡ lên phần chai cần cắt. Bạn có thể dùng giấy nhám để làm mịn vết cắt và trang trí thêm để chỗ sạc nhìn có gu hơn.
3.9. Tách lòng đỏ trứng bằng chai nhựa
Một mẹo nhỏ hữu ích trong nhà bếp là sử dụng chai nhựa để tách lòng đỏ trứng. Đầu tiên, đập trứng vào một bát, lấy một chai nhựa sạch bóp nhẹ để đẩy không khí ra ngoài rồi đặt miệng chai lên lòng đỏ trứng và thả tay ra. Áp suất sẽ hút lòng đỏ vào trong chai giúp bạn tách lòng đỏ ra khỏi lòng trắng một cách dễ dàng và nhanh chóng.
3.10. Tái chế chai nhựa thành con vật
Bạn có thể tái chế chai nhựa để làm một chú heo hồng đáng yêu, chim cánh cụt ngộ nghĩnh hoặc thậm chí là những con rắn rực rỡ sắc màu. Hãy thử làm một chú chim cánh cụt thủ công từ chai nhựa bằng cách:
- Nguyên liệu cần chuẩn bị là 2 chai nhựa, ruy băng, bút màu, màu nước, kéo và keo dán nhựa.
- Cắt bỏ phần đầu chai nhựa, sau đó ghép và cố định hai phần đuôi lại với nhau để tạo thành thân chim cánh cụt.
- Dùng bút màu hoặc màu nước vẽ mắt, mỏ và trang trí thêm các chi tiết để chú chim trở nên sinh động.
- Nếu muốn chim cánh cụt thêm phần đáng yêu, bạn có thể buộc một chiếc nơ xinh xắn bằng ruy băng lên cổ.
4. Một số lưu ý khi tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí
Mặc dù tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí là một việc làm tốt nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng để tránh mắc phải cái sai lầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Một số lưu ý mà bạn cần biết là:
- Phân loại nhựa tái chế, chỉ nên tái sử dụng các loại nhựa được đánh dấu an toàn và đảm bảo vệ sinh như nhựa PET, HDPE, LDPE.
- Vệ sinh sạch sẽ chai nhựa trước khi tái chế, có thể sử dụng nước hoặc xà phòng.
- Không sử dụng nhựa chứa hóa chất độc hại như thuốc tẩy, các dung dịch có tính tẩy rửa mạnh,…
- Hạn chế đôt nhựa trong quá trình tái chế vì có thể giải phóng các chất gây hại làm ô nhiễm không khí và ngộ độc nếu chúng ta vô tình hít phải.
- Thu gom gọn gàng và xử lý các phần nhựa thừa sau tái chế.
5. Kết luận
Nhìn chung, có rất nhiều ý tưởng để chúng ta có thể tái chế rác thải nhựa thành đồ trang trí độc đáo. Qua bài viết trên, Nhựa Việt Tiến mong rằng bạn đã nắm được những kiến thức cần thiết để sáng tạo nên những vật dụng hữu ích từ rác thải nhựa, tô điểm nhiều màu sắc hơn cho không gian sống và góp một phần sức lực vào công cuộc bảo vệ môi trường chung của xã hội.