Những doanh nghiệp lần đầu lần đầu xuất nhập khẩu hàng hóa chắc hẳn còn khá xa lạ với thuật ngữ HS Code. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ mã HS là gì và ứng dụng ra sao trong xuất nhập khẩu? Bài viết sau đây của Nhựa Việt Tiến sẽ làm rõ những thắc mắc này và hướng dẫn bạn chi tiết cách tra cứu mã HS chuẩn chỉnh nhất.
1. Mã HS là gì?
Mã HS (Harmonized System) là hệ thống mã số phân loại hàng hóa được phát triển bởi Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Hệ thống này được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu dùng để xác định và phân loại hàng hóa trong quá trình xuất nhập khẩu.
2. Cấu trúc của mã HS Code
Mã HS sẽ có cấu tạo gồm 4 phần từ lớn đến nhỏ theo thứ tự mỗi phần lần lượt sẽ có chương, nhóm, phân nhóm, phân nhóm phụ (mã quốc gia).
- Phần: Gồm 21 phần, mỗi phần bao quát một nhóm hàng hóa chung và chia theo tính chất hoặc mục đích sử dụng.
- Chương: Mỗi phần chia thành các chương, tổng cộng có 99 chương mô tả chi tiết hơn về nhóm hàng hóa. Tuy nhiên chương 98 và 99 sẽ được dùng riêng cho từng quốc gia. Ví dụ Chương 39 dành cho “Plastic và các sản phẩm bằng plastic”.
- Nhóm và phân nhóm: Trong mỗi chương, hàng hóa được chia thành các nhóm (4 chữ số) và phân nhóm (6 chữ số) để xác định chi tiết loại hàng hóa. Chẳng hạn như Nhóm 3901 trong Chương 39 dành cho “Polyme ethylene ở dạng nguyên sinh”.
- Phân nhóm phụ: Một số quốc gia thêm các phân nhóm phụ (8 hoặc 10 chữ số) để thống kê dữ liệu hàng hóa rõ hơn đáp ứng mục đích quản lý và thuế quan nội địa.
Ví dụ minh họa về mã HS 3924.90.90 của thùng rác nhựa:
- Phần: VII – Plastic và các sản phẩm bằng plastic; cao su và các sản phẩm bằng cao su.
- Chương: 39 – Plastic và các sản phẩm bằng plastic.
- Nhóm: 3924 – Các sản phẩm gia dụng và các sản phẩm vệ sinh hoặc nhà bếp, bằng plastic.
- Phân nhóm: 3924.90 – Loại khác.
- Phân nhóm phụ (mã quốc gia): 3924.90.90 – Các sản phẩm khác bằng plastic.
3. Vai trò của mã HS trong hoạt động xuất nhập khẩu
Mã HS là gì mà đòi hỏi các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ, chúng có vai trò gì đối với hoạt động xuất nhập khẩu? HS Code mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước như sau:
3.1. Đối với chính phủ
- Thiết lập Biểu thuế áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Chính phủ có thể xác định mức thuế suất phù hợp cho từng loại hàng hóa, từ đó điều chỉnh chính sách thuế quan nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy thương mại quốc tế.
- Xây dựng Danh mục hàng hóa để phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Mã HS giúp cơ quan hải quan theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa lưu thông qua biên giới, đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các quy định.
- Thực hiện thống kê quốc gia về hoạt động xuất nhập khẩu. Mã HS cung cấp dữ liệu chính xác về xuất nhập khẩu, hỗ trợ chính phủ trong việc thống kê, phân tích và hoạch định chính sách kinh tế hiệu quả.
- Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và các ngành liên quan.
3.2. Đối với doanh nghiệp
- Xác định thuế suất và chi phí: Tra cứu mã HS chính xác giúp doanh nghiệp biết trước mức thuế suất áp dụng cho hàng hóa của mình, giảm thiểu rủi ro về thuế.
- Tuân thủ quy trình hải quan: Nếu doanh nghiệp sử dụng mã HS chính xác thì thủ tục thông quan sẽ được xử lý nhanh chóng, tránh các rủi ro pháp lý như bị phạt do khai báo sai mã hàng hóa.
- Tận dụng ưu đãi thương mại: Nhiều hiệp định thương mại trên thế giới yêu cầu xác định mã HS để doanh nghiệp có thể áp dụng ưu đãi thuế quan.
Xem thêm:
4. Các cách thông dụng tra cứu mã HS Code
Sau khi hiểu được mã HS là gì thì nhiều chủ doanh nghiệp chắc hẳn cũng đang bận tâm về cách tra cứu HS Code ra sao. Nhựa Việt Tiến sẽ bật mí chi tiết các cách tra cứu mã này trong các mục sau đây:
4.1. Sử dụng tài liệu chính thức từ cơ quan hải quan
Biểu thuế xuất nhập khẩu là tài liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam ban hành, cập nhật danh mục hàng hóa và mã HS tương ứng. Bạn có thể tìm kiếm tài liệu này trên các trang chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam và tra cứu mã HS dựa trên mô tả, phân loại hàng hóa trong biểu thuế này.
4.2. Tra cứu HS Code trực tuyến qua các trang web uy tín
Để tra cứu mã HS một cách chính xác và đơn giản nhất, bạn nên sử dụng hệ thống của Tổng cục Hải quan Việt Nam. Đây là nguồn thông tin chính thức, đảm bảo độ chính xác cao và luôn cập nhật đúng so với quy định của pháp luật. Các bước tra cứu như HS Code như sau:
- Bước 1: Truy cập vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
- Bước 2: Tại trang chủ, tìm và chọn mục “Tra cứu biểu thuế – Mã HS” để truy cập vào hệ thống tra cứu.
- Bước 3: Nhập tên sản phẩm hoặc từ khóa liên quan đến mặt hàng cần tìm (ví dụ: “thùng nhựa”, “pallet nhựa”, “thùng rác”,…). Hệ thống sẽ hiển thị danh sách mã HS tương ứng kèm theo thông tin thuế suất và quy định liên quan.
- Bước 4: Xem xét và đối chiếu kết quả để chọn mã HS phù hợp nhất cho hàng hóa của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tra cứu mã HS thông qua các website uy khẩu (HS Code Việt Nam, Case Law) hỗ trợ xuất nhập khẩu. Các trang này đều đã tích hợp công cụ tra cứu HS Code từ dữ liệu của cơ quan hải quan nên bạn có thể yên tâm sử dụng.
5. Cách áp dụng các quy tắc khi tra cứu mã HS
Muốn tra cứu mã HS chính xác và nhanh thì bạn phải nắm được 6 quy tắc sau đây:
5.1. Chú giải chương và định danh hàng hóa
Tên các phần, chương và phân chương chỉ mang tính chất định hướng hàng hóa đó nằm ở chương nào, không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa. Do đó, khi xác định mã HS, chúng ta nên xem xét chú giải của phần và chương liên quan để chắc rằng hàng hóa được phân loại chính xác.
Ví dụ: Khi xác định mã HS cho sản phẩm “voi làm xiếc”, ban đầu có thể nghĩ đến Chương 1 “Động vật sống” nhưng theo chú giải của Chương 1 thì động vật dùng làm xiếc thuộc Chương 95. Do đó, “voi làm xiếc” được phân vào nhóm 9508 với mã HS 9508.10.00.
5.2. Sản phẩm chưa hoàn thiện và hợp chất cùng nhóm
Quy tắc 2(a): Sản phẩm chưa hoàn thiện nhưng có đặc tính cơ bản của sản phẩm hoàn thiện sẽ được phân loại như sản phẩm hoàn thiện. Ví dụ như một chiếc xe đạp thiếu yên xe vẫn được phân loại như một chiếc xe đạp hoàn chỉnh.
Quy tắc 2(b): Hỗn hợp hoặc hợp chất của các nguyên liệu hoặc chất liệu sẽ được phân loại theo nguyên liệu hoặc chất liệu cơ bản nhất. Lấy ví dụ về hợp kim của đồng và kẽm sẽ được phân loại theo nguyên liệu chính là đồng.
5.3. Hàng hóa có thể phân vào nhiều nhóm
Trong trường hợp hàng hóa có thể được phân loại vào nhiều nhóm, bạn hãy áp dụng thứ tự ưu tiên sau để tra mã HS:
- Quy tắc 3(a): Nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn nhóm có mô tả chung chung. Chẳng hạn như “Thắt lưng da” sẽ được phân loại vào nhóm “phụ kiện quần áo bằng da” hơn là nhóm “phụ kiện quần áo chung”.
- Quy tắc 3(b): Nếu không áp dụng được 3(a), hàng hóa sẽ được phân loại theo nguyên liệu hoặc thành phần chính tạo nên đặc tính cơ bản của sản phẩm. Ví dụ: Bộ dụng cụ nhà bếp bằng thép không gỉ sẽ được phân loại theo chất liệu chính là thép không gỉ.
- Quy tắc 3(c): Nếu ngoài cả quy tắc 3(a) và 3(b), hàng hóa sẽ được phân vào nhóm xuất hiện sau cùng trong thứ tự tăng dần của mã HS trong số các nhóm có thể áp dụng.
5.4. Phân loại theo hàng hóa tương tự nhất
Khi hàng hóa không thể phân loại theo các quy tắc trên, chúng sẽ được phân loại vào nhóm hàng hóa mà chúng tương tự nhất về đặc tính và mục đích sử dụng. Ví dụ dễ hiểu là một thiết bị mới với chức năng tương tự máy in nhưng có thêm tính năng đặc biệt có thể được phân loại cùng nhóm với máy in.
5.5. Bao bì và vỏ hộp
Quy tắc 5(a): Bao đựng hoặc vỏ hộp được thiết kế đặc biệt để chứa một sản phẩm cụ thể và được bán kèm với sản phẩm đó sẽ được phân loại chung với sản phẩm. Ví dụ như hộp đựng kính mắt được thiết kế riêng cho kính sẽ được phân loại cùng với kính mắt.
Quy tắc 5(b): Bao bì (hộp carton, túi nilon,…) dùng để đóng gói hàng hóa thường được phân loại cùng với hàng hóa đó, trừ những bao bì kim loại có thể sử dụng lại.
5.6. Phân loại ở cấp độ phân nhóm
Khi đã xác định được nhóm chính thì phân loại ở cấp độ phân nhóm phải dựa theo so sánh các phân nhóm cùng cấp độ. Bạn có thể áp dụng tương tự các quy tắc từ 1 đến 5 và xem xét chú giải của phân nhóm để xác định mã HS chi tiết nhất.
6. Những câu hỏi thường gặp về mã HS
6.1. Mã HS có ảnh hưởng gì đến mức thuế xuất nhập khẩu?
Mã HS giúp bạn biết được mức thuế phải nộp, nhờ vậy mà bạn có thể tính toán chi phí và giá thành sản phẩm một cách chính xác. Ngoài ra, mã HS còn ảnh hưởng đến các chính sách thuế quan ưu đãi, hạn ngạch và các biện pháp quản lý khác của cơ quan hải quan.
6.2. Tôi có thể sử dụng mã HS của nước ngoài cho hàng hóa tại Việt Nam không?
Bạn không thể sử dụng mã HS của nước ngoài cho hàng hóa tại Việt Nam. Mặc dù mã HS là hệ thống phân loại hàng hóa quốc tế nhưng mỗi quốc gia có thể có những quy định riêng khi áp dụng mã này.
6.3. Nếu tôi nhập khẩu hàng hóa nhưng chọn sai mã HS, điều gì sẽ xảy ra?
Khai báo sai mã HS khi nhập khẩu có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như bạn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy thu thuế và gây chậm trễ thông quan.
7. Kết luận
Mã HS đóng vai trò chủ chốt để phân loại hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu. Biết được mã HS là gì và áp dụng cách tra cứu mã HS chính xác không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn tối ưu chi phí và thời gian trong giao dịch quốc tế.
Hy vọng bài viết này của Nhựa Việt Tiến đã chia sẻ đầy đủ những thông tin cần thiết cho bạn đọc. Nếu có nhu cầu sử dụng các loại pallet nhựa để xuất khẩu hàng hóa, hãy liên hệ ngay hotline 1800 7113 cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất!