Lọc thùng nhựa 3 tầng là một giải pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả, làm nước bể cá luôn trong sạch, được nhiều người chơi cá cảnh tin dùng. Vậy nguyên lý hoạt động của nó ra sao? Cách làm như thế nào? Hãy cùng Nhựa Việt Tiến khám phá trong bài viết này nhé.
1. Lọc thùng nhựa 3 tầng là gì?
Lọc thùng nhựa 3 tầng là một bộ lọc nước bể cá sử dụng ba thùng nhựa liên kết với nhau để xử lý nước theo từng giai đoạn. Đây là một phương pháp phổ biến trong việc duy trì chất lượng nước sạch cho bể cá cảnh, hồ cá Koi, hay thậm chí trong một số hệ thống nuôi thủy sản.
2. Nguyên lý hoạt động của bộ lọc nước bể cá 3 tầng làm bằng thùng nhựa
Hệ thống lọc thùng nhựa 3 tầng hoạt động dựa trên nguyên lý lọc tuần hoàn, giúp loại bỏ cặn bẩn và duy trì chất lượng nước ổn định. Nước sẽ đi qua ba tầng lọc trước khi được bơm trở lại bể cá. Mỗi tầng sẽ có chức năng xử lý nước khác nhau, cụ thể:
2.1. Thùng lọc thứ nhất (Thùng lắng)
Đầu tiên, nước ở hồ cá sẽ chảy vào thùng lọc thứ nhất. Tại đây, các tạp chất lớn như cặn bẩn, phân cá và thức ăn thừa sẽ được giữ lại nhờ lớp bông lọc hoặc chổi lọc. Quá trình này giúp giảm tải lượng chất bẩn có trong nước trước khi chuyển sang bước lọc tiếp theo. Khi nước đi qua lớp vật liệu này, các hạt bụi lơ lửng cũng dần được giữ lại, giúp giảm hiện tượng nước đục trong hồ cá.
2.2. Thùng lọc thứ hai (Thùng lọc vi sinh)
Sau khi được loại bỏ các tạp chất lớn, nước sẽ tiếp tục chảy vào thùng lọc thứ hai. Đây là giai đoạn quan trọng giúp duy trì hệ vi sinh có lợi trong bể cá. Các vật liệu lọc như sứ lọc, nham thạch hoặc bioball sẽ tạo môi trường sống lý tưởng cho vi khuẩn nitrat hóa phát triển. Những vi khuẩn này có nhiệm vụ phân hủy amoniac và nitrit, là hai hợp chất độc hại sinh ra từ chất thải của cá, biến chúng thành nitrat ít độc hơn.
Nhờ vậy, nước không chỉ được làm sạch mà còn duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật có lợi, giúp kiểm soát lượng chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng dư thừa trong nước. Điều này góp phần hạn chế sự phát triển của rêu tảo có hại, giữ cho môi trường nước luôn trong lành.
2.3.Thùng lọc thứ ba (Thùng lọc các tạp chất nhỏ còn sót lại và bơm nước)
Cuối cùng, nước sẽ chảy vào thùng lọc thứ ba. Tại đây, các vật liệu như than hoạt tính hoặc cát thạch anh sẽ hấp thụ các chất độc hại còn sót lại, khử mùi, làm nước trong hơn và loại bỏ các kim loại nặng nếu có. Sau khi qua bước này, nước đạt được độ sạch một cách tối đã trước khi được bơm trở lại bể cá.
Xem thêm:
3. Vật liệu cần chuẩn bị để làm lọc thùng nhựa 3 tầng
Để tự chế tạo một hệ thống lọc thùng nhựa 3 tầng hiệu quả cho hồ cá, bạn cần chuẩn bị các vật liệu và dụng cụ sau:
3.1 Thùng nhựa
Bạn cần chuẩn bị 3 thùng nhựa có kích thước phù hợp với bể cá, thường là 50 đến 100 lít mỗi thùng. Nên chọn thùng nhựa chất lượng cao, có nắp đậy kín để tránh bụi bẩn và côn trùng xâm nhập.
3.2 Vật liệu lọc cho từng thùng
Thùng thứ nhất (Lọc cơ học):
- Chổi lọc: Giúp loại bỏ cặn bã, phân cá và các chất thải lớn trong nước.
- Bùi nhùi Jmat: Ngăn chặn các chất bẩn lơ lửng, tăng hiệu quả lọc cơ học.
Thùng thứ hai (Lọc sinh học):
- Tấm Jmat (Bùi nhùi Nhật): Làm giá thể cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp phân hủy chất hữu cơ và chất độc trong nước.
- Hạt lọc Kaldnes: Có khả năng tự làm sạch, cung cấp diện tích bề mặt lớn cho vi sinh vật cư trú.
Thùng thứ ba (Lọc hóa học và bơm nước):
- Than hoạt tính: Hấp thụ các chất độc hại, kim loại nặng và mùi hôi trong nước.
- Cát thạch anh hoặc san hô vụn: Giúp ổn định pH và cung cấp khoáng chất cần thiết cho cá.
3.3 Hệ thống ống dẫn và phụ kiện
- Ống nhựa PVC: Dùng để kết nối các thùng với nhau và dẫn nước qua các giai đoạn lọc.
- Co nối, van khóa: Điều chỉnh lưu lượng nước và tạo hướng chảy phù hợp trong hệ thống.
- Keo dán ống PVC: Đảm bảo các mối nối chắc chắn, không rò rỉ.
3.4. Dụng cụ hỗ trợ
- Máy khoan cầm tay: Dùng để khoan lỗ trên thùng nhựa, lắp đặt ống dẫn và xả đáy.
- Lưới chắn hoặc giá đỡ: Giữ cố định vật liệu lọc, tạo khoảng trống cho nước lưu thông.
3.5. Máy bơm nước
Bạn nên chọn máy bơm nước phù hợp với thể tích hồ cá và lưu lượng nước cần lọc. Chọn loại máy bơm tiết kiệm điện và hoạt động êm ái, không ồn ào.
4. Cách làm lọc thùng nhựa 3 tầng
Để làm lọc thùng nhựa 3 tầng hiệu quả, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
4.1. Bước 1: Chuẩn bị và khoan lỗ trên thùng nhựa
Trước tiên, bạn cần chuẩn bị 3 thùng nhựa có dung tích phù hợp với hồ cá. Các thùng này nên có nắp đậy để tránh bụi bẩn và giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.
Tiếp theo, dùng máy khoan cầm tay để khoan các lỗ cần thiết. Ở cả 3 thùng, bạn nên khoan mỗi thùng 2 lỗ. Một lỗ để nước từ bể cá tràn vào, một lỗ để thông nước giữa 2 thùng.
Sau khi khoan lỗ, bạn tiến hành lắp đặt ống nhựa PVC, nối các thùng lại với nhau bằng co nối và van khóa để kiểm soát dòng nước. Dùng keo dán PVC để gia cố các mối nối, đảm bảo không bị rò rỉ nước trong quá trình vận hành.
4.2. Bước 2: Lắp đặt vật liệu lọc vào từng thùng
Sau khi đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống ống dẫn, bạn tiến hành sắp xếp vật liệu lọc vào từng thùng theo chức năng lọc riêng biệt.
Ở thùng thứ nhất, bạn đặt chổi lọc, bùi nhùi Jmat và bông lọc để giữ lại cặn bẩn lớn như phân cá, thức ăn thừa. Lớp vật liệu này giúp ngăn các chất thải rắn không đi vào các thùng lọc tiếp theo, giảm tải lượng cặn bẩn trong nước.
Ở thùng thứ hai, bạn sử dụng các vật liệu có khả năng hỗ trợ vi sinh vật phát triển, giúp phân hủy các chất độc hại như amoniac và nitrit. Để làm điều này, bạn nên xếp bùi nhùi Nhật (Jmat) ở đáy, sau đó bổ sung sứ lọc, nham thạch hoặc hạt Kaldnes lên phía trên. Những vật liệu này có cấu trúc rỗng, giúp vi sinh vật có lợi cư trú và phát triển mạnh mẽ hơn, hỗ trợ tốt cho quá trình lọc sinh học.
Cuối cùng, ở thùng thứ ba, bạn sẽ đặt các vật liệu có khả năng hấp thụ tạp chất và khử mùi vào thùng. Xếp một lớp bùi nhùi Jmat ở đáy, sau đó đặt than hoạt tính, cát thạch anh hoặc san hô vụn lên trên để loại bỏ các chất độc còn sót lại trong nước. Lớp vật liệu này cũng giúp ổn định độ pH, giữ nước luôn sạch và cân bằng cho cá sinh trưởng.
4.3. Bước 3: Lắp đặt hệ thống máy bơm
Sau khi hoàn tất việc xếp vật liệu lọc, bạn tiến hành lắp đặt máy bơm để đảm bảo nước được luân chuyển liên tục. Máy bơm cần được đặt trong thùng thứ ba, để bơm nước đã lọc trở lại hồ cá. Khi lựa chọn máy bơm, bạn nên chọn loại có công suất phù hợp với dung tích hồ cá, tránh máy quá mạnh khiến dòng nước chảy quá nhanh hoặc quá yếu. Sau khi lắp đặt xong, kiểm tra lại hệ thống máy bơm để đảm bảo nước có thể luân chuyển ổn định.
4.4. Bước 4: Kiểm tra và vận hành thử
Trước khi đưa hệ thống lọc vào hoạt động, bạn cần kiểm tra và vận hành thử để đảm bảo mọi thứ hoạt động đúng cách. Đầu tiên, bạn sẽ đổ nước từ hồ cá vào hệ thống lọc, quan sát xem nước có chảy đều qua từng thùng hay không. Nếu có dấu hiệu tắc nghẽn hoặc nước chảy quá chậm, hãy kiểm tra lại các ống dẫn hoặc vật liệu lọc.
Đồng thời, quan sát kỹ các mối nối xem có hiện tượng rò rỉ nước không, nếu có thì cần bịt kín bằng keo dán PVC. Vận hành hệ thống trong 24 – 48 giờ, kiểm tra độ trong của nước. Nếu nước vẫn đục hoặc có mùi, bạn có thể cần điều chỉnh vật liệu lọc hoặc tăng giảm lưu lượng bơm để đạt hiệu suất tốt nhất.
5. Một số lỗi thường gặp khi làm lọc thùng nhựa 3 tầng
- Kích thước hệ thống lọc không hợp lý: Một trong những lỗi phổ biến nhất là làm làm hệ thống lọc có kích thước không phù hợp với bể cá. Nếu thùng lọc quá nhỏ sẽ không đủ khả năng xử lý hết lượng nước cần lọc, khiến nước vẫn đục và nhanh bẩn. Ngược lại, nếu hệ thống quá lớn sẽ làm mất nhiều thời gian lọc và điện năng.
- Sử dụng vật liệu lọc không phù hợp: Lựa chọn vật liệu lọc kém chất lượng có thể làm giảm hiệu quả lọc, thậm chí gây ô nhiễm ngược trong bể cá. Chẳng hạn, bạn sử dụng bông lọc quá thưa hoặc quá dày sẽ không lọc hết cặn bẩn được, vì bông lọc thưa sẽ khiến chất cặn bẩn dễ lọt qua, bông lọc quá dày thì dễ bị bít tắc và làm đọng lại cặn bẩn.
- Không vệ sinh hệ thống lọc định kỳ: Nếu hệ thống lọc không được vệ sinh thường xuyên, các tạp chất như cặn bẩn, phân cá và thức ăn dư thừa sẽ tích tụ bên trong. Khi lượng chất thải này quá nhiều, nó có thể bị phân hủy và sinh ra các chất độc hại như amoniac và nitrit, gây ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
6. Kết luận
Hệ thống lọc thùng nhựa 3 tầng là một giải pháp hiệu quả giúp duy trì chất lượng nước trong bể cá luôn sạch, hạn chế rêu tảo và tạo môi trường sống lý tưởng cho cá. Khi được thiết kế và vận hành đúng cách, hệ thống này sẽ có thể thay thế tốt các loại hệ thống lọc đắt đỏ. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu suất lọc, bạn cần vệ sinh định kỳ, sử dụng vật liệu lọc chất lượng và kiểm tra máy bơm thường xuyên. Nếu áp dụng đúng cách, bạn sẽ có một hệ thống lọc bền bỉ và giúp cá phát triển khỏe mạnh.
Nếu bạn đang tìm kiếm những thùng nhựa chất lượng để làm bộ lọc bể cá cảnh hoặc phục vụ nhu cầu khác thì có thể tham khảo Nhựa Việt Tiến. Chúng tôi là đơn vị chuyên cung cấp thùng nhựa an toàn và uy tín trên thị trường. Sản phẩm chủ yếu được sản xuất từ các loại nhựa nguyên sinh 100% như HDPE và PP, giúp bạn có thể ứng dụng để sáng tạo cho mọi nhu cầu.
Qua bài viết về cách làm lọc thùng nhựa 3 tầng, Nhựa Việt Tiến hy vọng sẽ đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn!