Phía sau các công trình mọc lên như nấm là một lượng lớn rác thải xây dựng chưa được xử lý đúng cách. Chất thải tích tụ ngày càng nhiều sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta. Trong bài viết dưới đây của Nhựa Việt Tiến, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về rác thải thải xây dựng cũng như cách xử lý chúng hiệu quả nhất.
1. Rác thải xây dựng là gì?
Rác thải xây dựng hay còn được gọi là phế thải hoặc chất thải rắn xây dựng, là các vật liệu dư thừa phát sinh trong quá trình thi công, sửa chữa, cải tạo, di dời hoặc phá dỡ các công trình. Những vật liệu này có thể là vôi vữa, bê tông, gạch ngói vỡ, thạch cao, bao bì vật liệu xây dựng, gỗ, xô nhựa, sắt thép,…
2. Đặc điểm của rác thải xây dựng
Hầu hết các công trình sau khi hoàn thành sẽ phát sinh ra một lượng chất thải đáng kể. Rác thải xây dựng phần lớn đều là những vật liệu rắn, các chất liệu này sở hữu nhiều đặc điểm như:
- Đa dạng về thành phần và tính chất: Rác thải xây dựng chứa nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, gạch, thép, gỗ, nhựa,… Sự đa dạng này đã làm cho việc xử lý trở nên phức tạp hơn so với rác thải sinh hoạt thông thường.
- Kích thước và trọng lượng lớn: Các vật liệu thải từ công trình thường có kích thước cồng kềnh và nặng nên sẽ gây khó khăn khi thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Tính cơ học đặc thù: Nhiều loại rác thải xây dựng có cấu trúc cứng, sắc bén, nếu không cẩn thận có thể làm bạn bị thương trong lúc xử lý. Chính vì vậy mà chúng ta cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc loại rác này.
- Khả năng tái sử dụng và tái chế: Một số vật liệu như bê tông, gạch vụn có thể được nghiền và sử dụng làm cốt liệu cho sản xuất gạch, tấm tường hoặc san nền. Gỗ và giấy có thể tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất mới hoặc làm nhiên liệu đốt. Sắt thép và kim loại khác có thể được tái chế trong ngành luyện kim.
- Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường: Nếu không được quản lý và xử lý đúng cách, rác thải xây dựng có thể gây làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Chẳng hạn như các hóa chất độc hại từ sơn, dung môi có thể thẩm thấu vào đất và nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường.
Xem thêm:
3. Có những loại rác thải xây dựng nào?
Rác thải trong quá trình thi công, tháo dỡ nhiều vô số kể. Một số loại rác thải phổ biến mà ta có thể bắt gặp tại các công trình xây dựng có thể kể đến như:
- Vật liệu kim loại: Bao gồm các mảnh sắt, thép, cáp sắt dư thừa.
- Các loại gỗ: Gồm các tàn dư gỗ, sản phẩm nội thất cũ hỏng, giàn giáo, cọc gỗ,…
- Nhựa: Bao gồm các loại ống dẫn PVC, tấm nhựa, vật liệu nhựa giả đá, giả gỗ, vật liệu cách nhiệt không còn sử dụng.
- Đất, đá, sỏi: Phát sinh từ quá trình đào bới, san lấp mặt bằng thi công hoặc còn dư trong quá trình thi công.
- Vật liệu khác: Các vật liệu xây dựng dư thừa như thủy tinh, gốm, sứ,…
- Chất thải hỗn hợp (Xà bần): Là phần vụn của gạch, bê tông, vữa và các vật liệu khác.
- Chất thải nguy hại: Bao gồm các vật liệu có chứa hóa chất nguy hiểm như sơn, dung môi, chất kết dính và các hợp chất khác cần được xử lý đặc biệt.
4. Quy trình thu gom, xử lý chất thải xây dựng
Quy trình xử lý rác thải xây dựng đạt chuẩn phải đảm bảo các bước sau:
4.1. Phân loại chất thải
Không phải tất cả chất thải xây dựng đều vô giá trị, phân loại ngay từ đầu sẽ giúp chúng ta tận dụng tối đa tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Rác thải xây dựng được chia thành ba nhóm chính:
- Nhóm tái chế, tái sử dụng: Gạch vụn, bê tông, kim loại, gỗ, kính, nhựa,…
- Nhóm không thể tái chế: Những vật liệu tổng hợp hoặc bị hư hỏng nặng, không còn khả năng sử dụng.
- Nhóm chất thải nguy hại: Sơn, dung môi, hóa chất, vật liệu chứa amiăng – đây là những chất thải độc hại cần xử lý theo quy trình đặc biệt.
4.2. Thu gom và vận chuyển đến điểm tập kết
Sau khi phân loại, chất thải cần được thu gom và vận chuyển đến điểm tập kết. Quá trình này thu gom rác thải xây dựng không chỉ đơn giản là chất lên xe và mang đi mà cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.
Bạn phải dùng phương tiện chuyên dụng như xe tải, container kín để vận chuyển chất thải mà không gây bụi, rò rỉ hay rơi vãi trên đường. Đặc biệt, phải di chuyển trong lộ trình được cấp phép. hạn chế di chuyển vào giờ cao điểm để tránh làm ảnh hưởng đến giao thông và dân cư xung quanh.
4.3. Xử lý chất thải
Tùy theo từng loại chất thải, sẽ có phương án xử lý phù hợp như gạch vụn sẽ được xử lý thành vật liệu san lấp, kim loại phế liệu thành sản phẩm mới, gỗ thành đồ nội thất hoặc vật liệu trang trí.
Với những loại chất thải không thể tái chế, chúng được đưa đến bãi chôn lấp đạt chuẩn để không ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí. Các vật liệu độc hại phải qua các công đoạn xử lý đặc biệt để vô hiệu hóa tác động xấu đến môi trường.
5. Một số giải pháp xử lý rác thải xây dựng hiệu quả
Thông thường, rác thải xây dựng sau khi tập kết và phân loại sẽ được xử lý dựa trên các phương pháp sau:
5.1. Tái chế chất thải
Tái chế là phương pháp ưu tiên để tận dụng lại các vật liệu từ rác thải xây dựng, tạo ra sản phẩm mới và làm giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng rác thải cần xử lý. Các loại bê tông và gạch vụn có thể được nghiền nhỏ để sử dụng làm vật liệu nền đường hoặc sản xuất gạch không nung; kim loại được thu hồi và tái chế để sản xuất các sản phẩm kim loại mới.
5.2. Xử lý chất thải bằng phương pháp nghiền và sàng lọc
Phương pháp này sử dụng máy móc hiện đại để nghiền nhỏ các loại rác thải xây dựng như bê tông, gạch, vữa thành nhiều kích thước khác nhau. Sau đó thông qua quá trình sàng lọc, các vật liệu này được phân loại và tái sử dụng trong các công trình xây dựng mới hoặc cho các mục đích khác như đắp nền, làm đường.
5.3. Chôn lấp hợp vệ sinh
Đối với những loại rác thải xây dựng không thể tái chế hoặc tái sử dụng, chôn lấp hợp vệ sinh là phương án tối ưu. Quá trình này đòi hỏi các doanh nghiệp xử lý rác phải xây dựng các bãi chôn lấp đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, có hệ thống chống thấm và thu gom nước rỉ rác để không làm ô nhiễm lòng đất và mạch nước ngầm.
5.4. Thiêu đốt rác thải xây dựng
Phương pháp thiêu đốt được sử dụng cho các loại rác thải xây dựng có khả năng cháy cao và không thể tái chế. Thông thường, lò đốt chuyên dụng sẽ được dùng để đốt các chất dễ cháy, có thể kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện hoặc cung cấp nhiệt. Tuy nhiên, bạn cần chú ý kiểm soát khí thải và xử lý tro xỉ sau đốt để tránh gây ô nhiễm không khí thứ cấp.
Bài viết trên của Nhựa Việt Tiến đã đề cập chi tiết về cách xử lý rác thải xây dựng hiệu quả nhất. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp cho bạn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xử lý rác thải, từ đó chung tay với cộng đồng để bảo vệ môi trường sống ngày càng sạch đẹp hơn.
Để có thể quản lý rác thải hiệu quả, chúng ta cần áp dụng các biện pháp thu gom phù hợp. Thùng rác công nghiệp bền bỉ, chất lượng của Nhựa Việt Tiến là sự lựa chọn vô cùng lý tưởng để trang bị tại các công trình xây dựng. Nếu quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi, hãy liên hệ ngay hotline 1800 7113 để được hỗ trợ sớm nhất!