Kho ngoại quan đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm và chức năng của nó. Việc nắm vững thông tin về kho ngoại quan sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong quá trình xuất và nhập khẩu hàng hóa. Vậy kho ngoại quan là gì và có trong kho ngoại quan chứa những gì? Trong bài viết dưới đây, Nhựa Việt Tiến sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về kho ngoại quan để giúp bạn nắm bắt được những thông tin quan trọng. Hãy cùng đi vào tìm hiểu nhé!
1. Kho ngoại quan là gì?
Căn cứ theo khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014, kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Việc sử dụng kho ngoại quan mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như: Tiết kiệm chi phí lưu kho, linh hoạt trong việc điều chỉnh hàng hóa để phù hợp với sự thay đổi của thị trường, tối ưu hóa quy trình xuất nhập khẩu.
2. Hàng hóa gửi vào kho ngoại quan
Những hàng hóa xuất nhập khẩu thường được phép gửi vào kho ngoại quan. Theo quy định của pháp luật, tại khoản 3 Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì có 3 trường hợp có thể đưa vào kho, bao gồm:
2.1. Hàng hóa từ Việt Nam đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu
Đây là những mặt hàng đã được cơ quan hải quan Việt Nam kiểm tra và thông quan để xuất khẩu. Sau khi hoàn tất thủ tục, hàng hóa được đưa vào kho ngoại quan để chờ vận chuyển ra nước ngoài. Việc lưu trữ này giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc điều phối thời gian và phương tiện vận chuyển, đồng thời đảm bảo hàng hóa được bảo quản an toàn trước khi xuất khẩu.
2.2. Hàng hóa từ nước ngoài chờ làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba
Trường hợp này bao gồm:
- Hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán cho doanh nghiệp Việt Nam: Những mặt hàng này được đưa vào kho ngoại quan để chờ tìm kiếm đối tác mua hàng trong nước.
- Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba: Doanh nghiệp có thể lưu trữ hàng hóa trong kho ngoại quan để hoàn tất các thủ tục cần thiết hoặc chờ thời điểm thích hợp để phân phối.
- Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba: Đây là các mặt hàng quá cảnh qua Việt Nam, được lưu trữ tạm thời trước khi tiếp tục hành trình đến quốc gia khác.
2.3. Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan
Trường hợp này bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan chờ xuất khẩu: Sau khi được thông quan, hàng hóa được lưu trữ trong kho ngoại quan để chờ vận chuyển ra nước ngoài.
- Hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất: Những mặt hàng nhập khẩu tạm thời vào Việt Nam nhưng không tiêu thụ hết trong thời gian quy định phải được tái xuất. Trước khi xuất khẩu trở lại hàng hóa sẽ được lưu trữ trong kho ngoại quan.
2.4. Thời gian lưu kho hải quan là bao lâu?
Thời gian lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan được quy định cụ thể Theo khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan 2014, đó là hàng hóa gửi vào kho ngoại quan được lưu giữ tối đa 12 tháng kể từ ngày nhập kho. Trong trường hợp có lý do chính đáng, chủ hàng có thể đề nghị gia hạn một lần không quá 12 tháng và phải được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan chấp thuận.
3. Các dịch vụ thực hiện trong kho ngoại quan
Chủ hàng hoặc người được ủy quyền là những đối tượng được phép sử dụng các dịch vụ trong kho ngoại quan như:
- Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép hàng hóa; phân loại phẩm cấp và bảo dưỡng hàng hóa: Những dịch vụ này giúp đảm bảo hàng hóa được bảo quản và nâng cao chất lượng tốt hơn nhằm đáp ứng những biến đổi của thị trường xuất nhập khẩu.
- Lấy mẫu hàng hóa: Việc lấy mẫu được thực hiện để phục vụ công tác quản lý hoặc hoàn tất thủ tục hải quan, đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định hiện hành.
- Chuyển quyền sở hữu hàng hóa: Trong thời gian lưu trữ tại kho ngoại quan, chủ hàng có thể chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa cho đối tác khác, tạo sự linh hoạt trong kinh doanh và giao dịch thương mại.
4. Điều kiện thành lập kho ngoại quan
4.1. Địa điểm thành lập
Căn cứ theo điều 62 luật Hải quan năm 2014, khi thành lập kho ngoại quan, bạn cần xây dựng khi tại các khu vực sau:
- Cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế;
- Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phi thuế quan và các khu vực khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về kho bảo thuế cũng như người ra quyết định trong việc thành lập kho ngoại quan để có sự chuẩn bị tốt nhất và đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.
4.2. Điều kiện về doanh nghiệp
Doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực kho bãi, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này đảm bảo doanh nghiệp có đủ tư cách pháp lý và năng lực hoạt động trong lĩnh vực liên quan.
Về cơ sở hạ tầng, kho ngoại quan cần có khu vực kho bãi riêng biệt, được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát chặt chẽ. Kho phải được trang bị hệ thống đường vận chuyển nội bộ để thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, cùng với hệ thống phòng chống cháy nổ đạt chuẩn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bố trí văn phòng làm việc cho nhân viên quản lý kho, khu vực làm việc cho hải quan để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa.
Về cơ sở vật chất và phương tiện vận chuyển thì cần phải phù hợp nhằm đảm bảo quá trình lưu giữ, bảo quản hàng hóa diễn ra hiệu quả.
4.3. Hồ sơ đăng ký thành lập
- Đơn xin thành lập kho ngoại quan: Văn bản đề nghị cấp phép thành lập kho ngoại quan được gửi đến cơ quan hải quan có thẩm quyền để xem xét và phê duyệt.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Bản sao có chứng thực, trong đó thể hiện rõ ngành nghề kinh doanh liên quan đến kho bãi, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi: Bản vẽ chi tiết thể hiện vị trí kho ngoại quan, ranh giới khu vực, đường vận chuyển nội bộ, văn phòng làm việc, khu vực bảo vệ, hệ thống phòng cháy chữa cháy và nơi làm việc của cơ quan hải quan.
- Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi: Có thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất/kho bãi hợp lệ, hoặc giấy phép xây dựng (nếu có).
Xem thêm:
Mua thùng nhựa uy tín, chất lượng tại Nhựa Việt Tiến
Pallet nhựa tải trọng cao, bền đẹp, chất lượng
5. Quy định về việc thuê kho ngoại quan
- Đối tượng thuê kho ngoại quan: Bao gồm các tổ chức và cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép xuất nhập khẩu.
- Hợp đồng thuê kho ngoại quan: Hợp đồng thuê kho ngoại quan được thiết lập dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ kho và chủ hàng, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
- Quy trình thuê kho: Khi thuê kho ngoại thông thường sẽ bao gồm các bước: Ký kết hợp đồng giữa chủ kho và chủ hàng, chuẩn bị hồ sơ cần thiết, khai báo và nộp hồ sơ tại Chi cục Hải quan, vận chuyển hàng hóa đến kho ngoại quan và lưu trữ.
6. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập kho ngoại quan
- Hàng hóa xuất khẩu gửi vào kho ngoại quan: Chủ hàng hoặc người được ủy quyền cần thực hiện đầy đủ các thủ tục giấy tờ xuất khẩu theo quy định của pháp luật trước khi gửi hàng vào kho ngoại quan. Sau đó, chủ hàng sẽ nộp tờ khai hải quan và các chứng từ cho bên chủ kho và tiến hành ký kết hợp đồng và gửi hàng.
- Hàng hóa nhập khẩu gửi vào kho ngoại quan: Tương tự như hàng xuất khẩu, thêm vào đó thì chủ hàng cần chuẩn bị hồ sơ khai báo bao gồm: Tờ khai hải quan, chứng từ, hợp đồng gửi hàng vào kho.
7. Ưu nhược điểm của kho ngoại quan
7.1. Ưu điểm
- Tiết kiệm chi phí thuế nhập khẩu: Hàng hóa nhập khẩu vào kho ngoại quan chưa phải nộp thuế nhập khẩu ngay, điều này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng tiền và giảm áp lực tài chính.
- Linh hoạt trong quản lý hàng hóa: Doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ như gia cố, đóng gói, phân loại và bảo dưỡng hàng hóa ngay trong kho ngoại quan, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường.
- Tối ưu hóa quy trình xuất nhập khẩu: Việc lưu trữ hàng hóa tại kho ngoại quan gần các cảng biển, sân bay hoặc cửa khẩu giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
7.2. Nhược điểm
- Chi phí lưu kho và quản lý: Việc lưu trữ hàng hóa trong kho ngoại quan phát sinh chi phí thuê kho, phí lưu trữ và các dịch vụ liên quan, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Thủ tục hải quan phức tạp: Hàng hóa ra vào kho ngoại quan phải tuân thủ các quy định và thủ tục hải quan nghiêm ngặt, đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư thời gian để chuẩn bị giấy tờ kỹ càng.
- Rủi ro về chất lượng hàng hóa: Nếu hàng hóa lưu trữ trong kho ngoại quan trong thời gian dài, có thể gặp rủi ro về hư hỏng, giảm chất lượng hoặc lỗi thời, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm về thời gian và điều kiện bảo quản.
8. Những lưu ý khi thuê kho ngoại quan
Khi thuê kho ngoại quan, doanh nghiệp cần xem xét vị trí kho để có thể tối ưu chi phí và con đường vận chuyển hàng hóa. Một số địa điểm nên ưu tiên lựa chọn như các kho gần cảng biển, sân bay hoặc cửa khẩu.
Về cơ sở hạ tầng thì cần phải đáp ứng yêu cầu về an ninh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera giám sát và trang thiết bị nâng hạ. Ngoài ra, doanh nghiệp nên đánh giá các dịch vụ đi kèm như đóng gói, phân loại, bảo dưỡng hàng hóa để tối ưu quy trình lưu kho và phân phối.
Đặc biệt, khi thuê kho doanh nghiệp cần để ý đến các yếu tố có thể làm phát sinh thêm chi phí như vị trí, diện tích thuê, thời gian thuê và các dịch vụ bổ sung khác. Nếu xem xét và tính toán ký lưỡng thì doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn khi thuê kho ngoại quan.
9. Kết luận
Kho ngoại quan không chỉ giúp bảo quản hàng hóa an toàn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, góp phần tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả logistics. Khi lựa chọn kho ngoại quan, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như vị trí, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ và tuân thủ các quy định pháp lý để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra suôn sẻ, tránh rủi ro không đáng có.
Để cập nhật thêm những thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động kinh doanh, hãy theo dõi Nhựa Việt Tiến ngay hôm nay!