Trong quá trình sử dụng lâu dài, đồ nhựa gia dụng thường bị ố vàng do tác động của thời gian, ánh sáng, thực phẩm hoặc vệ sinh không đúng cách. Những vết ố này không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn gây lo ngại về vệ sinh và an toàn cho sức khỏe. Vì vậy, việc tìm ra các phương pháp tẩy trắng đồ nhựa vừa hiệu quả, vừa an toàn lại dễ làm tại nhà đang trở thành nhu cầu thiết thực của nhiều gia đình. Bài viết này Nhựa Việt Tiến giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, 10 cách tẩy trắng đồ nhựa bị ố vàng phổ biến và những lưu ý quan trọng để bảo quản đồ nhựa như mới.
1. Nguyên nhân khiến đồ nhựa bị ố vàng theo thời gian
Tình trạng ố vàng ở đồ nhựa không xảy ra ngẫu nhiên, mà bắt nguồn từ nhiều yếu tố tác động liên tục trong quá trình sử dụng:
- Tia UV từ ánh nắng mặt trời: Đặc biệt ở các loại nhựa ABS cũ (trước năm 2000), phân tử brom trong nhựa sẽ bị phân hủy khi tiếp xúc với ánh sáng UV, gây hiện tượng ngả vàng rõ rệt.
- Dầu mỡ và thực phẩm có màu mạnh: Những vết bám từ trà, cà phê, nước nghệ, hay dầu mỡ sau khi đựng thức ăn, nếu không vệ sinh kỹ, sẽ tích tụ và ăn sâu vào bề mặt nhựa, gây ố màu theo thời gian.
- Nhựa kém chất lượng: Một số loại nhựa không được bổ sung chất chống oxi hóa hoặc chất ổn định màu nên rất dễ bị biến đổi khi gặp nhiệt độ cao hay tiếp xúc với hóa chất.
- Phản ứng hóa học trong quá trình vệ sinh: Sử dụng các chất tẩy mạnh như nước javel, hoặc cọ rửa bằng dụng cụ thô ráp sẽ làm bề mặt nhựa bị mài mòn, tạo điều kiện để bụi bẩn và màu thực phẩm bám sâu hơn.
Dù nguyên nhân là gì, việc hiểu rõ bản chất giúp bạn chọn đúng phương pháp làm sạch và bảo vệ đồ dùng lâu dài. Vậy có những cách nào tẩy trắng đồ nhựa hiệu quả mà không gây hại?
2. 10 phương pháp tẩy trắng đồ nhựa hiệu quả
Trong phần này, Việt Tiến Plastic sẽ phân chia thành ba nhóm chính: phương pháp tự nhiên, phương pháp hóa học và sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng nhằm giúp bạn lựa chọn giải pháp phù hợp nhất.
Đầu tiên là 4 phương pháp tự nhiên bằng những vật dụng, cung cụ dễ tìm kiếm, có sẵn tại nhà.
2.1. Nước cốt chanh
- Bước 1: Pha nước cốt chanh với nước theo tỷ lệ 1:1.
- Bước 2: Ngâm đồ nhựa vào hỗn hợp trong khoảng 1 – 2 giờ.
- Bước 3: Dùng bàn chải mềm hoặc miếng bọt biển chà nhẹ vết ố, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Phù hợp để làm sạch cốc nhựa, hộp đựng thực phẩm. Chanh có tính axit nhẹ, kháng khuẩn, an toàn với vật dụng tiếp xúc thực phẩm.
2.2. Giấm trắng
- Bước 1: Pha giấm với nước theo tỷ lệ 1:1.
- Bước 2: Ngâm vật dụng trong hỗn hợp từ 1 đến 2 giờ.
- Bước 3: Lau lại bằng khăn mềm, không cần chà mạnh.
Ngoài khả năng làm trắng, giấm còn giúp khử mùi hiệu quả, thích hợp cho các vật dụng như tủ nhựa, thùng chứa. Tuy nhiên mùi của giấm hơi khó chịu, cần rửa kỹ sau khi vệ sinh tẩy rửa.
2.3. Baking soda
- Bước 1: Pha 2 thìa baking soda với 1 ly nước ấm để tạo hỗn hợp sệt.
- Bước 2: Thoa hỗn hợp lên vết ố, dùng bàn chải chà nhẹ.
- Bước 3: Để nguyên qua đêm (6 – 8 tiếng) sau đó rửa sạch.
Đây là phương pháp rất hiệu quả với các vết bám lâu ngày, đặc biệt phù hợp cho thau chậu hoặc hộp nhựa thực phẩm.
2.4. Kem đánh răng
- Bước 1: Bôi trực tiếp kem đánh răng lên vùng bị ố.
- Bước 2: Để trong 10 – 15 phút, sau đó dùng khăn mềm lau sạch.
Sử dụng được cho cả cốc nhựa, bàn chải nhựa hoặc ngăn kéo tủ nhựa. Cách này đơn giản, ít tốn công, đặc biệt hiệu quả với vết ố nhỏ.
Tiếp theo là 3 phương pháp hóa học làm sạch đồ nhựa
2.5. Oxy già (Hydrogen Peroxide)
- Bước 1: Ngâm đồ nhựa vào oxy già nồng độ 3% trong 3 – 4 giờ.
- Bước 2: Phơi dưới nắng nhẹ để tăng hiệu quả làm trắng.
- Bước 3: Rửa lại kỹ bằng nước sạch.
Phù hợp với các vỏ thiết bị điện tử nhựa trắng như bàn phím, chuột máy tính. Không an toàn cho đồ đựng thực phẩm, cần đeo găng tay khi thực hiện làm sạch.
2.6. Amoniac
- Bước 1: Pha dung dịch amoniac với nước theo tỷ lệ 1:3.
- Bước 2: Dùng khăn thấm dung dịch lau vùng cần tẩy trong 2 – 3 phút.
- Bước 3: Lau lại bằng khăn sạch ẩm.
Amoniac hiệu quả với các bề mặt như cửa nhựa, yếm xe máy. Khi dùng cần mở cửa thông thoáng, đeo khẩu trang để tránh hít phải hơi độc.
2.7. Nước rửa sơn móng tay (Acetone)
- Bước 1: Nhỏ vài giọt acetone lên khăn khô.
- Bước 2: Lau đều vết ố nhẹ nhàng trong vài phút.
Chỉ nên áp dụng cho mặt kính nhựa hoặc cửa nhựa bám vết mực, không nên dùng cho hộp đựng thực phẩm vì tính tẩy mạnh, dễ gây hại nếu không rửa kỹ.
Tiếp theo là 3 phương pháp sử dụng các sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng
2.8. Dung dịch TN-01 (SaSol)
- Bước 1: Xịt dung dịch TN-01 lên bề mặt nhựa cần làm sạch.
- Bước 2: Đợi 20 – 30 phút để hóa chất hoạt động.
- Bước 3: Dùng khăn ẩm lau sạch.
Không làm mất chữ in trên bề mặt nhựa, rất thích hợp với máy giặt, tủ lạnh, thiết bị gia dụng trắng. Chi phí cao hơn phương pháp tự nhiên.
2.9. Clean Shu! Shu!
- Bước 1: Xịt dung dịch trực tiếp lên vùng cần xử lý.
- Bước 2: Chờ 5 – 10 phút rồi lau sạch.
Ngoài khả năng làm trắng, sản phẩm còn có tác dụng diệt khuẩn. Phù hợp với các vật dụng trưng bày, hộp nhựa mỹ phẩm.Giá khoảng 120.000 VND tùy cửa hàng.
2.10. Goodmaid Wiz
- Bước 1: Thoa sản phẩm lên vết bẩn.
- Bước 2: Chờ trong 10 phút, sau đó dùng khăn lau lại.
Sản phẩm được đánh giá cao trong việc làm sạch các thiết bị nhựa gia dụng, giá thành khoảng 100.000 VND, có thể mua tại siêu thị hoặc sàn TMĐT.
Với 10 phương pháp trên, bạn có thể dễ dàng làm mới đồ nhựa tại nhà hoặc công nghiệp. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa, hãy chú ý các lưu ý quan trọng dưới đây.
3. Lưu ý an toàn khi tẩy trắng
Dù việc làm sạch đồ nhựa là cần thiết, nhưng nếu không thực hiện đúng cách, bạn có thể gây hư hỏng sản phẩm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là 4 lưu ý cực kỳ quan trọng:
- Trang bị bảo hộ khi thao tác với hóa chất: Luôn đeo găng tay cao su, khẩu trang, kính bảo hộ nếu có thể khi sử dụng các dung dịch như oxy già, amoniac hoặc sản phẩm tẩy rửa công nghiệp. Tránh để hóa chất tiếp xúc với mắt, miệng hoặc da tay trong thời gian dài.
- Không sử dụng hóa chất tẩy mạnh cho đồ đựng thực phẩm: Các chất như xăng, acetone hay amoniac tuyệt đối không được dùng với hộp đựng thức ăn, bình sữa hoặc các vật dụng liên quan đến trẻ nhỏ vì dễ để lại dư lượng độc hại.
- Đảm bảo không gian thông thoáng: Khi sử dụng các hóa chất có mùi mạnh hoặc dễ bay hơi như amoniac, nên thao tác ở nơi thoáng khí, tránh hít phải hơi độc có thể gây chóng mặt hoặc kích ứng đường hô hấp.
- Vệ sinh kỹ sau tẩy trắng: Sau khi hoàn tất quá trình làm sạch, rửa lại bằng nước sạch nhiều lần, hoặc thêm một lớp nước rửa chén để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn dư lượng hóa chất.
4. Cách bảo quản để đồ nhựa không bị ố vàng trở lại
Phòng hơn chữa nếu bạn biết cách bảo quản đúng cách, việc đồ nhựa bị ố vàng sẽ không còn là vấn đề quá thường xuyên. Dưới đây là một số gợi ý thực tiễn:
- Vệ sinh định kỳ bằng dung dịch nhẹ: Sau mỗi lần sử dụng, nên vệ sinh ngay với xà phòng nhẹ hoặc nước rửa chén pha loãng. Tránh để vết bẩn bám lâu ngày.
- Tránh ánh nắng trực tiếp: Hạn chế đặt các đồ nhựa gần cửa sổ, ban công hoặc những nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào vì tia cực tím sẽ phá vỡ cấu trúc nhựa, làm biến đổi màu.
- Không đựng thực phẩm có màu quá mạnh lâu ngày: Nên lót giấy nến hoặc sử dụng hộp thủy tinh để đựng các món như cà ri, nước mắm, nước nghệ… thay vì hộp nhựa.
- Sắp xếp nơi cất giữ hợp lý: Bảo quản đồ nhựa ở nơi khô ráo, thoáng mát, không để gần bếp, lò vi sóng hoặc những khu vực có nhiệt độ cao.
Những biện pháp này giúp đồ nhựa bền đẹp lâu dài. Tiếp theo, hãy cùng giải đáp các câu hỏi thường gặp để hiểu rõ hơn về tẩy trắng đồ nhựa.
5. Câu hỏi thường gặp về tẩy trắng đồ nhựa
5.1. Những phương pháp nào an toàn cho đồ nhựa gia dụng? loại nhựa nào dễ bị ố vàng nhất?
An toàn nhất: Chanh, giấm, baking soda và kem đánh răng đều là các nguyên liệu tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại và dễ tìm.
Dễ bị ố vàng: Nhựa PS (Polystyrene) và ABS thường bị ngả màu nhanh hơn nhựa PP (Polypropylene) hay HDPE (High Density Polyethylene). Nhựa có độ bóng cao hoặc màu trắng đục dễ để lộ vết ố hơn.
5.2. Có an toàn khi dùng baking soda cho hộp thực phẩm không?
Có. Baking soda là nguyên liệu an toàn thực phẩm (FDA công nhận), được sử dụng để làm sạch, khử mùi và làm bánh. Tuy nhiên, sau khi tẩy trắng, bạn vẫn nên rửa lại kỹ để tránh dư lượng bột dính lại.
5.3. Có nên dùng xăng để tẩy trắng thùng nhựa không?
Không, không nên dùng xăng để tẩy trắng thùng nhựa, đặc biệt là thùng đựng thực phẩm. Xăng có thể loại bỏ vết ố nhanh nhưng để lại dư lượng hóa học độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Thay vào đó, sử dụng chanh, giấm, hoặc TN-01 để đảm bảo an toàn.
Đồ nhựa ố vàng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến nhiều người e ngại khi sử dụng lại. Tuy nhiên với 10 phương pháp tẩy trắng đơn giản, dễ thực hiện tại nhà, từ nguyên liệu tự nhiên đến sản phẩm chuyên dụng bạn hoàn toàn có thể làm mới các vật dụng nhựa một cách hiệu quả và tiết kiệm. Quan trọng hơn, hãy duy trì thói quen sử dụng và bảo quản đúng cách để hạn chế tình trạng ngả màu tái diễn. Nếu bạn thấy những cách trên hữu ích, đừng ngần ngại chia sẻ để mọi người cùng áp dụng và giữ cho không gian sống luôn sạch sẽ, sáng bóng nhé.